Vì sao nhiều người kiếm được tiền, có tài sản lớn nhưng vẫn luôn bất an với tình hình tài chính của mình. Câu chuyện của chị Thái Ngoan sẽ giúp nhiều người trả lời được câu hỏi này!
Chị Thái Ngoan, sinh năm 1986, nguyên là Trưởng phòng Đào tạo tại một công ty chứng khoán. Chị có 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, là Financial Coach và chuyên gia đào tạo về Bình An Tài Chính.
Năm 2008, chị Ngoan bắt đầu làm Tư vấn tài chính cá nhân của một ngân hàng lớn. Sau 4 năm chị Ngoan có mức thu nhập là 10 triệu đồng, và tích lũy được 250 triệu. Năm 2012, chị lập gia đình và sau 5 năm vợ chồng chị hoàn thành kế hoạch mua được nhà và xe ô tô. Sau hành trình đó, chị Ngoan thấy rõ tầm quan trọng của việc lập kế hoạch rõ ràng và chi tiêu hợp lý là nền tảng cho tài chính vững chắc và đủ đầy.
– Chị bắt đầu chú ý tới việc quản lý tài chính cá nhân từ khi nào?
– Năm 2008, tôi ra trường đi làm với mức lương 5 triệu, rồi tăng lên 10 triệu. Sau 4 năm thì tích lũy được 250 triệu. Lúc đó, tôi chưa tiếp cận được nhiều về các phương pháp quản lý chi tiêu. Mọi thứ xuất phát từ việc quan sát thói quen tiêu dùng hợp lý của cha mẹ từ bé. Do đó khi lớn lên, tôi chỉ chi tiêu đủ cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, quần áo vừa phải, đủ dùng. Hàng tháng, tôi đặt ra mục tiêu tiết kiệm, 20-50% tổng thu nhập, dù chưa có gia đình, chưa biết tiết kiệm để làm gì.
Năm 2012 tôi lập gia đình. Sau 5 năm, chúng tôi đạt được mục tiêu mua nhà, mua xe nhờ sự thống nhất, chia sẻ tài chính giữa 2 vợ chồng. Chúng tôi rất đồng lòng, cùng thiết lập mục tiêu với nhau. Tôi vẫn áp dụng những thói quen mình đã làm từ trước như chi tiêu hợp lý và đơn giản cuộc sống, mua sắm phù hợp với nhu cầu; thường xuyên ghi chép chi tiêu đầy đủ, cái gì chi không hợp lý thì điều chỉnh.
– Khó khăn lớn nhất trong 5 năm đó của anh chị là gì?
– Mọi thứ bắt nguồn từ sự tích lũy và chia sẻ. Cũng giống như mình muốn có nhà thì phải bắt đầu từ việc xây móng. Các phương pháp quản lý tài chính đều bắt nguồn từ đó.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc tiết kiệm nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Với tôi, điều đó phụ thuộc vào việc bản thân bạn hiểu mình thực sự cần gì.
Điều khó khăn nhất trong quá trình này là sự kiên trì, duy trì thói quen tài chính và cần cởi mở trong tài chính giữa các thành viên gia đình. Bởi cuộc sống có rất nhiều cám dỗ về tiêu dùng khiến chúng ta dễ bị cuốn theo mà quên mất điều mình muốn là gì.
– Bạn đời đã đồng hành như thế nào với chị trong quá trình đó
– Hai vợ chồng tôi cùng hạch toán chi tiêu mỗi tháng. Hàng tháng, khi có lương chồng tôi chuyển tiền cho vợ. Chúng tôi lập ngân sách chi tiêu, sau đó phân chia ngay số tiền nhận được vào các quỹ gia đình.
Hai vợ chồng thường xem lại tổng tài sản, thu chi hàng tháng như thế nào, đã đạt được bao nhiêu % kế hoạch để cùng thống nhất cách thức tiếp theo.
Sau 5 năm sau thì vợ chồng tôi có nhà và ô tô. Dù tài sản không quá lớn: nhà 1,3 tỷ, ô tô 350 triệu. Trong đó có sự hỗ trợ của 2 bên gia đình (300 triệu).
– Sau khi đạt được mục tiêu tài chính, chị cảm thấy thế nào?
– Khi đạt được mục tiêu trên, tôi có cảm thấy hài lòng được một khoảng thời gian rất ngắn. Sau đó lại rơi vào trạng thái hoang mang, mất ý nghĩa trong cuộc sống.
Sau đó, tôi tham gia các khóa học phát triển bản thân, học Coach và đặc biệt khi học chuyên sâu về “mindful money”, “financial wellbeing”; tôi mới hiểu rằng tài chính cá nhân không đơn thuần chỉ là khía cạnh tài chính mà còn có một phần quan trọng nữa là “cá nhân”. Khi phần cá nhân bị mất kết nối thì phần tài chính không còn ý nghĩa, không còn mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mình nữa. Đó là lý do tôi chưa thực sự vui khi đạt được mục tiêu mua nhà, mua xe bởi tôi không có nhiều kết nối với mục tiêu đó; tôi đặt ra mục tiêu chỉ vì tiêu chuẩn xã hội luôn như thế: kết hôn, sinh con, mua nhà, mua xe….
Khi nhận ra điều đó, tôi đã thực hành coach cho bản thân và với những coachee của mình. Điều kỳ diệu là mọi người đều có sự thay đổi tích cực, không chỉ có mục tiêu rõ ràng, quản lý tài chính tốt hơn mà còn bình an, vui vẻ với tiền và luôn cảm thấy trù phú trong cuộc sống.
– Sự thiếu kết nối là lý do nhiều người có tiền nhưng vẫn luôn lo lắng?
– Đúng vậy. Nhiều người sở hữu rất nhiều tiền nhưng vẫn luôn cảm thấy chưa đủ. Bởi bên trong họ chưa có sự kết nối thực sự, vẫn có suy nghĩ chưa đúng về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống… Điều đó khiến họ cảm thấy không bình an.
– Vậy theo chị, việc quản lý tài chính cá nhân có ý nghĩa như thế nào?
– Quản lý tài chính chỉ có ý nghĩa khi giúp bạn đạt được mục tiêu mà bạn thực sự mong muốn. Mọi thứ xuất phát từ việc bạn muốn điều gì. Khi xác định được mục tiêu phù hợp với mơ ước và nhận thấy mỗi ngày mình tiến gần hơn tới mục tiêu, bạn sẽ tự nhiên thấy vui vẻ, bình an.
Sai lầm lớn nhất trong quản lý tài chính cá nhân mà nhiều người mắc phải là không biết mình muốn điều gì. Tư duy, cảm xúc, niềm tin sai lệch về tiền… Bởi vậy cần có công cụ chuyển hóa, cài đặt cảm xúc, niềm tin mới.
Bởi thiếu kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, nên họ không biết làm thế nào để xoay sở để tiến tới mục tiêu của mình. Mọi người, nhất là các bạn trẻ nên tìm hiểu để có kiến thức bài bản để quản lý tài chính tốt cho tương lai.
Quản lý tài chính cá nhân thành công hay không còn tùy thuộc vào thời gian. Khi bạn có nhiều thời gian thì sẽ dễ dàng điều chỉnh để đạt được mục tiêu của mình. Bởi vậy, càng sớm nhận thức, tư duy đúng về quản lý tài chính cá nhân, cuộc sống sau này của bạn càng dễ dàng hơn.
– Chị đã làm thế nào để tìm được sự bình an với mục tiêu tài chính của mình?
– Hiện giờ, tôi đang trên đường để đạt được mục tiêu của mình. Quy trình quản lý tài chính cá nhân mà tôi đã áp dụng cho bản thân và các khách hàng của mình sẽ bao gồm 6 bước:
Bước 1: Xác định bạn là ai? – Bạn sẽ cần xác định đâu là giá trị cốt lõi của mình. Giá trị cốt lõi chính là kim chỉ nam trong mọi khía cạnh cuộc sống của bạn bao gồm cả khía cạnh tài chính.
Bước 2: Xác định bạn muốn đến đâu? – Tại bước này bạn cần biết rõ điều bạn thực sự mong ước trong cuộc sống là gì, từ đó xác định ra những mục tiêu tài chính cụ thể.
Bước 3: Xác định bạn đang ở đâu? – Để tiến tới ước mơ, mục tiêu tài chính của mình; chúng ta cần biết tình hình tài chính của mình ra sao thông qua việc xem xét tài sản, thu nhập, chi tiêu của bản thân và cách thói quen tài chính hiện tại.
Bước 4: Xem xét những con đường? – Tại bước này, bạn sẽ cần xác định những phương án có thể giúp đạt được mục tiêu thông qua các yếu tố trong tài chính như thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư….
Bước 5: Lựa chọn con đường.
Bước 6: Đánh giá, điều chỉnh định kỳ – Bất kỳ kế hoạch nào đặt ra cũng cần được đánh giá lại định kỳ để xem xét tính phù hợp và điều chỉnh nếu cần.
– Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng như thế nào tới các kế hoạch đã vạch ra của chị?
– Dịch COVID-19 cũng là lúc nhiều người bắt đầu nhận ra, đâu mới thực sự là những nhu cầu thiết yếu với bản thân. Nếu 3 năm trước, bạn có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Khi dịch COVID xảy ra, bạn mất thu nhập và gần như không có tích lũy. Như vậy, bạn của 3 năm trước đã chi tiêu và đánh mất tương lai của bạn trong hiện tại.
Nếu bạn có sự chuẩn bị từ sớm những quỹ dự phòng cho bản thân trong những tình huống khó khăn, thất nghiệp; mua bảo hiểm để đề phòng rủi ro sức khỏe… Thì tác động của dịch COVID hay các tình huống khác đối với cuộc sống của bạn sẽ bớt khốc liệt hơn.
Với bản thân tôi, dịch COVID-19 không ảnh hưởng nhiều vì tôi đã có những sự chuẩn bị đầy đủ cho bản thân và tôi vẫn tiếp tục tiến tới mục tiêu của mình. Nhưng nhiều người khác thì không may mắn như vậy.
– Câu nói tâm đắc của chị về tài chính?
– Tôi luôn tâm niệm rằng: Bình an tài chính không phải là đích đến mà nó là hành trình chúng ta đi mỗi ngày.
Mục tiêu, kế hoạch giúp chúng ta có động lực để phấn đấu, có niềm tin để tiến lên phía trước và có bản lĩnh để biến tiềm năng thành sức mạnh giúp hiện thực hóa ước mơ. Tuy nhiên, có một điều bạn nhất định phải nhớ rằng: Hạnh phúc đích thực là biết tận hưởng từng phút giây của hành trình.
Bạn có thể đạt được trạng thái bình an tài chính tại mọi thời điểm trong cuộc sống. Giống như “chánh niệm” trong Đạo Phật. Trạng thái bình an sẽ đến khi bạn thực sự kết nối với giây phút hiện tại. Đó không phải là một trạng thái bất biến, tuy nhiên, ai cũng cần biết cách để “kéo mình lại” khi cảm thấy bất an.
Trong hành trình đi tới mục tiêu của mình, tôi đã tìm hiểu, học hỏi từ những chuyên gia. Khái niệm đồng tiền hạnh phúc của tác giả sách người Nhật Ken Honda đã khiến tôi như thức tỉnh. Thế giới này là năng lượng. Khi bạn truyền tới đồng tiền năng lượng như thế nào, bạn sẽ nhận lại năng lượng tương tự. Vì thế tôi thực hành biết ơn mỗi ngày đối với tất cả số tiền tôi đã nhận được cũng như trao đi trong cuộc sống. Điều đó giúp tôi cảm thấy tràn ngập lòng biết ơn, niềm vui và trù phú trong cuộc sống.
Tôi mong rằng các bạn trẻ hãy sớm tìm hiểu, học hỏi và thực hành quản lý tài chính cá nhân cũng như kết nối với bản thân mình; để giúp các bạn vững vàng và bình an tiến tới mục tiêu tài chính trong cuộc đời mình.
Nguồn CafeF